Nghỉ lễ ngắn ngày, lên kế hoạch camping ngay!dân tình đi ầm ầm rồi bạn ơi
26/04/2021 779 Lượt xem
Ngồi lại và ngẫm một lúc thôi, bạn sẽ nhận ra mọi thứ đang xoay chuyển nhanh chóng mặt. Thời điểm này năm ngoái dịch Covid-19 đợt 1 mới tạm lắng, du lịch chỉ nhen nhóm vài chỗ, khắp nơi là cảnh đìu hiu vắng vẻ… Vậy mà tới tháng 4 năm nay, mọi thứ đã khởi sắc: Những điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu, Sa Pa cuối tuần nào cũng đông; các khu nghỉ dưỡng hot đã kín phòng trở lại; vé máy bay từ nay đến hè tăng giá từng ngày… Ai cũng bắt đầu lên cho mình một lịch trình cho mùa hè đang đến gần hơn bao giờ hết.
Tua nhanh như thế để thấy bức tranh toàn cảnh xoay chuyển khó ngờ đến chừng nào. Các doanh nghiệp du lịch và F&B đổi mới từng ngày để thích nghi với nghịch cảnh, du khách cũng có những thú vui mới, những thói quen tiêu dùng, những cách tiêu tiền mới… Sự chuyển giao chóng vánh tới mức nếu “lơ là” cập nhật vài tuần thôi, bạn sẽ thấy lạc lõng trước những trào lưu du lịch, ăn chơi mà mọi người đang bàn tới.
Trào lưu cắm trại là một ví dụ điển hình. “Cắm trại”, “dã ngoại”, “camping”, “glamping”, “ngủ lều”… – đủ cách gọi và hình thức mà ngoài kia người người, nhà nhà đang trải nghiệm. Đâu đó khi có người mở Facebook lên, chúng ta lại nghe thấy vô vàn câu hỏi: “Ô cái này hay thế?”, “Đi đâu mà chill vậy?”, “Thuê đồ này thế nào?”…
Nếu cảm thấy như có điện chạy trong người khi xem ảnh dân tình check-in cắm trại; phấn chấn tột độ khi ngắm nhìn cảnh thiên nhiên hùng vĩ; luôn nghĩ tới viễn cảnh được tự tay set up, nấu nướng giữa biển trời… thì sau đây sẽ là tấm bản đồ bạn cần để bắt tay vào thực hiện ngay chuyến camping của riêng mình.
20 tuổi – thời điểm không “ngây thơ” như tuổi 16, 18 – nhưng vẫn “còn non” và có ít nhiều va vấp trên đường đời. Nét ví von này xin dành cho sự phát triển của trào lưu camping ở Việt Nam hiện nay. Bắt nguồn từ những hội nhóm trên Facebook như Cho trẻ ra ngoài chơi, Rủ nhau cắm trại, Camping Việt Nam, Thích cắm trại…, chỉ trong khoảng 2 năm, camping nhanh chóng được ưa chuộng rộng rãi với đủ hình thức. Nở rộ nhất chính là thời điểm hiện tại, từ các khu cắm trại cao cấp mọc lên khắp nơi cho đến những điểm cắm trại, dã ngoại nội thành cũng được dân tình thử nghiệm triệt để. Khung cảnh “đại hội” cắm trại ở công viên Yên Sở, chân cầu Vĩnh Tuy, hồ Dầu Tiếng… trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa xong là minh hoạ chân thực.
Lý do cho sự bùng nổ của trào lưu camping thì vô vàn, nhưng có thể nhìn nhận chung tình hình sau đợt dịch Covid-19, dân tình đã phải ở nhà quá lâu, đến mức những hình thức du lịch khám phá tại các điểm đến thông thường hay nghỉ dưỡng trong các resort sang chảnh không thể thoả mãn đôi chân của du khách nữa. Người người nhà nhà tìm đến các hình thức trải nghiệm mới hơn, phải hành động, mò mẫm nhiều hơn. Với thế hệ trẻ, việc tìm tòi các trend mới thì đã trở thành “bản năng”, vừa là để tham gia, vừa là để có những khoảnh khắc bằng bạn bằng bè trên mạng.
Camping trở thành lựa chọn cân bằng được tất cả nhu cầu của mọi đối tượng: con trẻ được ra ngoài, tạm xa điện thoại, máy tính bảng; bố mẹ có thời gian thảnh thơi, tận hưởng thiên nhiên để thư giãn; hội người trẻ thì có thú vui mới, có hình thức mới để bày biện & khám phá…
Có những cá nhân, gia đình đã camping từ lâu, trước cả khi các cộng đồng được thành lập, thường xuyên đi camp ở những nơi ít người biết – đây được gọi là lớp “lão làng” của camping Việt Nam. Trong vòng 2 năm trở lại đây mới có thêm các đối tượng gia đình trẻ, dân văn phòng, sinh viên, học sinh tập tành camping. Về cơ bản, camping – cắm trại là hình thức người tham gia chủ động chuẩn bị lều trại, túi ngủ, thực phẩm, dụng cụ… tới các khu thiên nhiên, biển hồ để dựng lều, nấu nướng, ăn uống, trekking, chèo thuyền… Tại Việt Nam, camping trong quan niệm của số đông đang có nhiều hình thức phát triển, tuỳ đối tượng và điều kiện tham gia. Khoan phân định đúng sai, xin liệt kê đủ kiểu trải nghiệm camping của dân tình ở thời điểm này.
Nhà Nguyễn Linh – Minh Đỗ và cậu con trai 1 tuổi rưỡi là gương mặt mới trong làng camping. Nhưng với đam mê roadtrip, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và gu thẩm mỹ tinh tế, các bộ ảnh về chuyến đi của cả nhà đều khiến người ngoài ngưỡng mộ, viral ngàn share trên mạng xã hội.
“Gia đình mình đầu tư cho bộ đồ đạc camping hết khoảng 30 triệu đồng. Vốn ‘có máu’ kinh doanh nhà hàng, cà phê nên nhà mình đầu tư mạnh tay cho set pha đồ uống khi camping, vì cả hai đều có sở thích uống cà phê, ngắm cảnh thư giãn. Ngoài ra, các dụng cụ khác như lều trại, bếp gas, bàn ghế, công cụ dụng cụ thì có mức giá giao động từ vài trăm nghìn đến 3 – 4 triệu đồng.
Vì tìm hiểu và tham khảo khá kỹ nên nhà mình lên lịch trước 1 tuần và 2 ngày sắm đồ cho chuyến camping đầu tiên. Và mình thấy rất xứng đáng. Sau những chuyến đi thế này, những đứa trẻ sẽ có trải nghiệm về văn hoá, du lịch và kỹ năng sống, ngoài ra đây cũng là dịp các con được vui chơi với bầu không khí trong lành, rời xa khói bụi và công nghệ nơi thành phố ồn ào. Nhà mình để các thành viên được thoải mái nhất vì đã xác định đi để trải nghiệm thì chúng mình không ngại bất cứ việc gì.
Tuy nhiên để phù hợp với túi tiền và nhu cầu của từng nhà thì các bạn có thể lựa chọn đồ đạc ở các mức giá khác nhau, miễn sao mình cảm thấy thoải mái và sẵn sàng cho chuyến đi là được”.
Hai vợ chồng Hương Vũ là nhân viên văn phòng nhưng đã đi camping từ năm 2015, khi ấy cậu con trai mới 3 tuổi, tới nay số chuyến đi đã không đếm xuể. Lều trại và đồ đạc của gia đình thuộc loại cơ bản, đã sắm từ lâu nên mỗi chuyến chỉ cần sắp xếp lại và lên đường, không cần dự tính hay chuẩn bị nhiều. Điểm đặc biệt là gia đình hoàn toàn đi camp bằng xe máy.
“Gia đình mình di chuyển bằng xe máy, nên điều mình lo nhất khi trên đường là những rủi ro như tai nạn giao thông, hỏng xe giữa đèo núi…,và đặc biệt là sức khoẻ của con. May mắn là tới giờ mọi tình huống đều có thể xoay sở được dù nhiều phen thót tim.
Điều mình thấy tâm đắc nhất trong mỗi chuyến đi là được ở bên gia đình tại các vùng đất mới, được cùng con trải nghiệm cuộc sống bên ngoài, phần nào bớt với điện thoại và TV. Cũng vì thế mà nhà mình hay đi ngẫu hứng, không có kế hoạch. Theo mình, chỉ cần một tâm hồn thích xê dịch, thích khám phá, thích trải nghiệm và người bạn đồng hành có chung lý tưởng thì đi camp ở đâu cũng không sợ.
Mình đi cắm trại từ cách đây 5 – 6 năm, ngày đó cũng chưa rộ lên cái chữ ‘camping’ như bây giờ. Mình chỉ mong mọi người giữ được môi trường camping sạch sẽ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, đừng đi theo trào lưu thấy người ta đi mình cũng đi, trong khi chưa chuẩn bị gì về cả kỹ năng lẫn ý thức”.
Hồng Nhung và bạn đời đã “cày bừa” đủ các điểm camping gần miền Bắc từ ngày chưa kết hôn. Sau khi cưới, công việc bận rộn nên đã tạm ngừng du lịch bụi. Hai năm trở lại đây, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc du lịch của cặp đôi. Nhà Hồng Nhung quyết định camping trở lại để chủ động về công việc, lịch trình, điểm đến và độ an toàn.
Là cặp vợ chồng trẻ, chưa có con, Hồng Nhung chia sẻ camping giúp hai người tăng thêm tình cảm, kỷ niệm với nhau, kể cả những kỷ niệm… đáng sợ: “Điều mình sợ nhất khi đi cắm trại là gặp thời tiết thay đổi (thường không kịp trở tay ấy!), an ninh khu vực hạ trại có bất ổn, hoặc là gặp phải rắn vì chồng mình rất sợ con vật này…
Ngoài ra, vợ chồng mình chưa đi camping theo nhóm bao giờ và cũng không có ý định vì chúng mình đề cao sự tự do, thoải mái. Nếu là người chủ động và không thích gây phiền cho người khác thì mọi người nên cân nhắc đi camping riêng lẻ. Hai người là đã có thể thu xếp được rồi, tham khảo thêm kinh nghiệm trên các nhóm Facebook, tự mày mò đi nhiều sẽ thành quen, thành mê”.
Gia đình Ngọc Ánh ở Hà Nội vốn mê du lịch, hai vợ chồng cùng hai bé 11 tuổi – 9 tuổi đã trải nghiệm đủ hình thức từ khách sạn 5 sao tới ngàn sao (ngủ lều). Khoảng 1 năm trở lại đây, gia đình sắm sửa để đầu tư camping. Có ô tô riêng nên cả nhà rong ruổi khắp miền Bắc, mới 1 năm đã ngót nghét 10 chuyến.
Mới chơi nên gia đình chọn các thương hiệu tầm trung, tổng chi phí sắm sửa đồ đạc khoảng 15 triệu: lều Eureka 1 triệu (chỉ dùng cho đi trong ngày), bạt che mưa nắng NatureHike 900k, 3 ghế gấp 500k/cái, bàn để đồ NatureHike 2 triệu, bếp nướng Campingmoon 1,6 triệu, nồi dã ngoại Fire Maple 700k… Chi phí trên chưa bao gồm loa đài, flycam, GoPro, gia đình Ngọc Ánh thường sắm sửa dần dần, thấy cần thiết sẽ mua thêm.
“Mình sợ nhất gặp ô nhiễm tiếng ồn khi đi camp, và rác. Vậy nên mình sẽ nghiên cứu và chọn nơi càng ít người đi càng tốt.
Về việc xử lý rác thải của nhà mình như sau: Khi vừa đến nơi, bé trai lớn sẽ có nhiệm vụ đi làm vệ sinh xung quanh chỗ nhà mình định dựng trại. Lần đầu đi camp chưa có kinh nghiệm, việc dọn rác rất vất vả, phải nhặt que rồi khều. Từ lần sau nhà mình đã sắm cái gắp rác giá 40k trong Daiso, rất tiện. Con trai mình tự tin đi dọn sạch rác của người đi trước. Còn rác nhà mình sẽ được để vào một cái túi, treo ngay bên xe, lúc về thì nhắc ra để sau xe và xử lý. Nhà mình rất hạn chế dùng nilon, đồ ăn được để trong hộp, dùng bát đũa nhôm hết.
Với những người mới tham gia, mình xin có lời khuyên: Cần có ý thức đầu tiên. Mình có thể sắm đồ hoặc không, không quan trọng, kể cả một tấm bạt trải mình cũng có thể tổ chức một buổi camp thú vị. Nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh và không gây tiếng ồn quá lớn là điều cần thiết. Nhất là trẻ con, bố mẹ hãy dạy các bạn tôn trọng không gian xung quanh để cùng sinh hoạt, cùng camping nơi công cộng”.
Dù là người mới nhập trend hay đã “lão làng” trong camping Việt Nam thì sau mỗi chuyến đi, mỗi người đều được F5 bản thân. Thiên nhiên có vai trò tối quan trọng trong cuộc sống mỗi người, và camping đang là cầu nối giúp người Việt tìm được cách hoà hợp với môi trường, cân bằng cảm xúc, tái lập năng lượng. Có lẽ vì thế mà hình thức này chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành trend hot.
Vậy tóm lại, muốn camping cần làm gì, đi đâu? Cẩm nang chi tiết sau đây. Lưu ý: tuỳ vào hình thức cắm trại/ dã ngoại/ cắm trại sang chảnh, bạn có thể điều chỉnh đồ dùng cũng như lựa chọn địa điểm phù hợp với nhu cầu cá nhân.
– Lều và tăng: Hai loại lều thông dụng là lều xếp (mất thời gian dựng lều) và lều bung (lều tự bung ra). Còn tấm tăng (tarp) tự căng để làm thành mái che nắng mưa. Chi phí lều và tăng dao động từ 1 triệu – 3 triệu.
– Túi ngủ và đệm: Ở Việt Nam không quá lạnh nên nếu ngủ qua đêm không nhất thiết phải chọn loại túi ngủ quá dày, giữ nhiệt cao. Còn đệm thì cần thiết vì nằm đất khá đau lưng, cân nhắc khi chọn đệm hơi vì cồng kềnh. Giá từ 300k – 900k.
– Thảm ngoài: Thảm dã ngoại có nhiều loại nhưng bạn nên chọn những mẫu có lớp nilon bạc chống nước mặt dưới, hoặc nếu sử dụng tấm vải thường thì cần có thêm lớp lót chống thấm. Giá từ 50k – 500k.
– Thảm trong: Lớp thảm bên trong để lót lều cần thoáng mát/ giữ nhiệt tuỳ điều kiện thời tiết. Giá khoảng 50k – 300k.
– Bàn: Hai loại phổ biến là bàn gấp và xếp, bàn xếp thì chi phí cao hơn, lắp ráp nhiều bước hơn nhưng diện tích sử dụng lớn, tiện cho nhóm đi đông. Giá từ 400k – 1,2 triệu.
– Ghế: Ghế dã ngoại có nhiều mẫu mã, thương hiệu, chủ yếu đều được thiết kế nhỏ gọn, tiện gấp và mang đi. Riêng khoản ghế bạn nên đầu từ hàng chất lượng vì dùng nhiều và phải chịu lực nặng lớn. Giá từ 300k – 900k.
– Bếp/ vỉ nướng/ khay nướng: Tuỳ thuộc vào thời gian và mục đích mà bạn có thể chọn bếp gas du lịch hoặc bếp nhóm lửa từ than và củi (không nên nhóm lửa trực tiếp trên nền đất vì sẽ làm hỏng cỏ và lớp đất mùn, nhóm lửa cũng khó hơn). Chi phí từ 200k – 1,8 triệu.
– Nồi, chảo, bát, đĩa, đũa, thìa, dao, kẹp…: Nên mua những món được làm từ inox, nhôm, titanium để tái sử dụng, tránh sử dụng đồ nhựa/ gỗ dùng một lần. Thường những món này được bán chung theo set, giá từ 400k – 1,5 triệu.
– Ngoài ra bạn cần mang đủ quần áo, giày dép thoải mái, ấm cúng, chống nước nếu có điều kiện. Đồ đạc cá nhân thì có thuốc men, bông gạc, thuốc chống muỗi; đèn pin, túi đựng rác, pin sạc dự phòng, quạt sạc điện, tai nghe, loa đài, máy ảnh, máy quay tuỳ ý; bình nước, cốc nước, nước sạch để uống và sinh hoạt nếu có đủ chỗ; than, củi, bật lửa, đồ nhóm lửa; xe đạp, đồ leo núi, chèo thuyền nếu có xe đủ rộng…
*Những thương hiệu đồ camping có tiếng:
– Lều, tăng, túi ngủ, đệm, thảm, bàn ghế: NatureHike, Eureka, Decathlon, Northpeak, Coleman, Quechua…
– Bếp, nồi, chảo, đũa, bát: Campingmoon, Fire Maple, Namilux, Stanley, Kupilka…
*Gợi ý những nơi mua đồ camping: Quechua Decathlon, NatureHike.VN, Nhà Lượn, Vietcamp, Shopee…
– Nếu có ý định camping lâu dài, đừng ngại chi tiền mua đồ chất lượng. Đồ camping ở Việt Nam một khi đã hỏng thì rất khó sửa vì chưa có nhiều cơ sở bảo hành, chỉ có thể thay mới. Và cũng cần giữ gìn đồ để tránh làm mất.
– Luôn đề cao yếu tố gọn gàng, dễ mang vác và an toàn khi chuẩn bị đồ đạc. Ban đầu ai cũng hào hứng cả, đến lúc phải bê nặng và di chuyển nhiều thì “oải” thôi rồi.
– Thời tiết và an ninh khu dựng trại là điều phải đắn đo đầu tiên. Hạn chế camping trong thời điểm mưa gió, dù lều chống nước thì vẫn có vô số nguy cơ làm hỏng chuyến đi. Nếu địa điểm quá biệt lập, hoang vắng sẽ dễ gặp phải các loài thú dữ, côn trùng nguy hại, đôi khi có cả người mang ý định xấu. Trường hợp đó không ai muốn cả, nhưng luôn phải phòng ngừa.
– Luôn hoàn tất việc dựng trại trước hoàng hôn. Khi trời còn sáng sẽ đảm bảo hơn để bạn chọn địa điểm, kiểm tra môi trường xung quanh, thao tác khi lắp lều, dọn dẹp và phát quang, đưa ra các phán đoán…
– Khi dựng trại: nên có 2 người làm sẽ nhanh và hiệu quả hơn, tránh dựng ở gần trục đường vì rất ồn. Nên dựng trại ở vùng đất cao, rìa chân núi, có bóng cây càng tốt, như vậy vừa có view đẹp, vừa khô ráo, mát mẻ.
– Nếu cắm trại qua đêm, nên thu gọn khu vực dựng trại, đồ đạc cất vào túi, tài sản giá trị để bên mình/ trong túi ngủ. Các loài gia súc, thú trong rừng có thể đến “thăm” và “khám phá” khu trại của bạn vào ban đêm.
– Hạn chế tối đa đốt lửa trực tiếp lên cỏ vì vừa làm mất mỹ quan, vừa làm hỏng hệ sinh thái trong đất.
– Ăn uống khi camping đề cao sự đơn giản, đảm bảo dinh dưỡng, chế biến nhanh gọn. Như vậy mang đi đỡ vất vả, mà nấu cũng nhanh, dành thời gian tận hưởng thiên nhiên.
– Ngoài nước uống, cần chuẩn bị thêm nước ngọt để sinh hoạt, trung bình 20 lít là đủ cho 3 người/đêm.
– Cắm trại dù trong mùa hè cũng phải ưu tiên giữ ấm, đủ chăn và áo khoác, nhất là ngủ đêm trong rừng, nhiệt độ hạ rất thấp.
– Chuẩn bị đầy đủ và thường xuyên bôi/ xịt các loại thuốc chống côn trùng trên cơ thể cũng như những loại dùng quanh lều.
– Mùa hè nên chọn camping ở các khu có suối, hồ, biển sẽ mát mẻ hơn, nhưng nếu có con trẻ thì phải cân nhắc và trông chừng kỹ lưỡng. Các bố mẹ nên căn dặn và chỉ bảo các kỹ năng cơ bản vùng sông nước cho con nếu bé đã cứng cáp, nhưng luôn phải cẩn thận!
– Trước và sau camping luôn thu dọn rác, dù không phải rác của mình. Mỗi người chung tay camping văn minh để bảo toàn thiên nhiên.
– Cuối cùng, đừng quá đặt nặng việc sắm sửa hay bày biện, chụp ảnh. Bắt đầu đi với những chuyến dã ngoại cơ bản nhất, rồi dần dà việc hoà nhập với thiên nhiên sẽ giúp bạn mở mang, thư giãn… Sau mỗi lần đi sẽ có thêm kinh nghiệm, và biết cần phải mua gì, chuẩn bị gì, thao tác chuẩn bị về sau sẽ càng nhanh và tinh giản hơn.
Chúng ta ít nhiều đều có FOMO (fear of missing out) – những nỗi lo âu xã hội thôi thúc con người phải làm theo những điều được cho là đang khiến cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn. Trong khi trào lưu cắm trại mới chớm nở rộ, đã có nhiều trường hợp vội vàng “a dua” theo phong trào mà chưa có sự chuẩn bị đúng đắn, cũng như kỹ năng xử lý, dọn dẹp, bảo vệ môi trường khi camping. – vừa gây nguy hiểm cho bản thân, vừa làm xấu đi hình ảnh của camping. Vậy nên xin nhắc nhở, hãy phân định rõ mong muốn với điều kiện sức khoẻ, kinh tế và thời gian của bản thân.
Quan trọng nhất, mỗi người tham gia camping cần có sự chủ động và ý thức cao về vấn đề môi trường và kỹ năng xử lý ngoài tự nhiên. Là một phần của trào lưu, chứ đừng chạy theo trào lưu bạn nhé!
Nguồn Sưu tầm : Kenh14.vn
26/04/2021